Tầm vóc, giá trị cơ bản của Chiến thắng 30/4/1975
Sau 47 năm nhìn lại, có thể thấy Chiến thắng 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam chính là tầm vóc của nó trong hệ thống những giá trị cơ bản của cuộc chiến tranh khác biệt nhất trong thế kỷ XX. Dưới đây là bài viết của tác giả Hà Minh Hồng đăng trên Báo điện tử Chính phủ ngày 30/4/2022.
Mỗi chiến thắng trong chiến tranh thời hiện đại, nhất là chiến thắng kết thúc chiến tranh chống ngoại xâm, thường được xem xét kỹ về bản chất quân sự hay chính trị của sự kiện.
Mặc dù vấn đề quân sự rất quan trọng trong chiến tranh, song có những vấn đề "ngoài quân sự" (chính trị) giữ vị trí ý nghĩa chiến lược, thậm chí còn mang tính quyết định cuối cùng của nó. Vì thế, sự kiện kết thúc cuộc kháng chiếnh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975 không khó phân định là chiến thắng quân sự hay chính trị. Điều quan trọng là tầm vóc của nó trong hệ thống những giá trị cơ bản của cuộc chiến tranh khác biệt nhất trong thế kỷ XX.
Khác biệt cơ bản của cuộc chiến tranh này là đế quốc mạnh nhất toàn cầu, Hoa kỳ, lại tiến hành chiến tranh nhằm chia cắt lâu dài một đất nước nhỏ chưa phát triển là Việt Nam. Hoa kỳ đã biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự và hình thành phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á. Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc và hình thành nhiều mối quan hệ đối lập chằng chéo khá phức tạp ngay trong khu vực và hai hệ thống thế giới (xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa) lúc đó.
Chiến tranh đã đưa Việt Nam trở thành nơi thử thách trực tiếp đối với hệ thống chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam là tiền đồn. Đồng thời Việt Nam cũng trở thành nơi thử thách lớn nhất sức mạnh và uy tín của đế quốc Hoa Kỳ qua 5 đời tổng thống kế tiếp nhau (Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford) trong 21 năm (1954-1975). Cuối cùng, cuộc chiến ấy kết thúc bằng sự kiện ngày 30/4/1975.
Đây là sự kiện nằm ngoài tính toán của Hoa Kỳ nhưng là điều Việt Nam đã dự liệu từ 10 năm trước (1965): "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn" (Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Chiến thắng 30/4/1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt, phức tạp bậc nhất trong lịch sử chiến tranh thế kỷ XX - một cuộc chiến được người chiến thắng khái quát bằng câu "dân tộc Việt Nam thắng chiến tranh xâm lược của Mỹ"; còn người rút quân khi viết trong hồi ký "Không được có thêm Việt Nam-No More Vietnam" thừa nhận những sai lầm và thất bại trong cuộc chiến; khi "Nhìn lại tấn thảm kịch…" đã viết thành bài học về 11 sai lầm của chính họ trong cuộc chiến tranh này.
Chiến thắng ấy cũng kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng (tính từ năm 1945) chống xâm lược, bảo vệ và phát huy những thành quả của Cách mạng tháng Tám; kết thúc 117 năm dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm (tính từ năm 1858), giành lại nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Đó là chiến thắng ở đỉnh cao của chiến tranh nhân dân thời hiện đại dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản, đã làm tăng thêm sức mạnh vật chất và tinh thần, thế và lực cho quốc gia dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; bổ sung nhiều bài học quý báu vào kho tàng kinh nghiệm của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đồng thời đóng góp không nhỏ vào phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới.
Kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại bậc nhất của dân tộc trong kỷ nguyên mới, ngày 30/4/1975 trở thành biểu tượng của thời đại, minh chứng đầy đủ rõ ràng cho sự tổ chức lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - người đề ra đường lối cách mạng và đường lối chiến tranh với nội dung và hiệu quả quan trọng nhất là khai thác, động viên và tập hợp mọi lực lượng trong nước và quốc tế, thực hiện nhiều phương pháp cách mạng phù hợp làm "chìa khóa" quyết định, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng.
Kết thúc cuộc chiến có tính chất "cuộc đụng đầu lịch sử" và mang tính biểu tượng cao giữa Việt Nam và Hoa kỳ, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa chiến tranh cách mạng và chiến tranh phản cách mạng, giữa độc lập dân tộc, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.
Thực chất của cuộc "đụng đầu" ấy là sự đối đầu bằng chiến tranh trong 20 năm giữa đế quốc giàu nhất, mạnh nhất trong các nước đế quốc, có chiến lược toàn cầu và có tham vọng làm bá chủ thế giới, với dân tộc "đất không rộng người không đông", kinh tế-xã hội còn nghèo nàn lạc hậu. Kết cục của cuộc "đụng đầu" cho thấy bản chất "sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người" đối lập với sự tàn bạo của sức mạnh vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.
Chiến thắng 30/4/1975 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo chắc chắn khi Người viết Di chúc (năm 1965) khẳng định: "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Trong cuộc trao đổi thẳng thắn giữa 2 vị cố vấn của hai bên (Lê Đức Thọ và Kissinger) tại Hội nghị Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam (1968-1973), Cố vấn Lê Đức Thọ nói: "Các ông muốn dùng bom đạn để hủy diệt tinh thần của chúng tôi. Nhưng những thứ đó không thể khuất phục chúng tôi… Đây không phải là lời thách thức… Chúng tôi chẳng thể thách thức ai… Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ chiến thắng". Điều đó trở thành hiện thực vào ngày 30/4/1975.
Ngay sau ngày toàn thắng, Đảng ta đã tổng kết: "Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".